Chúc bé ngủ ngon

     

Diễn viên Nguyễn Tiến Ngọc tiết lộ, dù rất nhiều người thích nhân vật Thỏ Láu nhưng không phải ai cũng biết để làm Thỏ Láu khó khăn, vất vả như thế nào.

Bạn đang xem: Chúc bé ngủ ngon


Suốt 3 năm, tối nào cũng "lên sóng VTV3" nhưng không ai biết mặt

Chúc bé ngủ ngon là chương trình dành cho thiếu nhi khá nổi tiếng của Đài truyền hình Việt Nam. Bên cạnh sự xuất hiện của "chị Kính Hồng", chương trình còn đặc biệt thu hút bởi vẻ nhí nhảnh, đáng yêu của các nhân vật "hình nộm" như Thỏ Láu, Heo Mập.

Tuy nhiên, nếu "chị Kính Hồng" được xuất hiện với vẻ ngoài lộng lẫy, được khán giả nhớ mặt, biết tên thì Thỏ Láu và Heo Mập lại chưa từng được xuất hiện bằng diện mạo thật trên sóng truyền hình.

Mới đây nhất, khi danh tính của "anh Thỏ Láu" bất ngờ được tiết lộ, khán giả tỏ ra vô cùng thích thú khi biết đó là 1 diễn viên khá quen mặt với truyền hình Việt.



Thỏ Láu và Heo Mập là 2 diễn viên đặc biệt làm nên thành công của chương trình Chúc bé ngủ ngon.

Xem thêm: Dáng Chân Mày Hợp Với Mặt Tròn, Tiêu Chí Đánh Giá


Đảm nhiệm vai Thỏ Láu từ năm 2007 đến năm 2009, nam diễn viên Nguyễn Tiến Ngọc được cho là người giữ vai Thỏ Láu lâu nhất trong lịch sử chương trình. Anh tiết lộ, Thỏ Láu là vai diễn nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của anh, nhưng trớ trêu là…không ai biết anh đảm nhiệm vai diễn này:

"Năm 2007, tôi vừa tốt nghiệp thì chương trình Chúc bé ngủ ngon ra mắt. Thời điểm đó, nhân vật Thỏ Láu do 1 anh diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ đảm nhiệm. Nhưng sau vài chục số, không rõ vì lý do gì mà anh ấy nghỉ việc, tôi được giới thiệu vào làm thay.

Lúc đầu, khi được giới thiệu đi làm chương trình Chúc bé ngủ ngon, tôi thích lắm. Vì nghĩ là ngoài việc kiếm thêm được thu nhập thì đây là 1 chương trình xuất hiện hằng ngày trên VTV vào "giờ vàng", các cháu thiếu nhi lại rất thích.


*

Diễn viên Nguyễn Tiến Ngọc là người đảm nhiệm vai Thỏ Láu lâu nhất.


Tôi nghĩ đây là cơ hội để "tiếp thị" hình ảnh của mình tới các nhà đạo diễn, những đơn vị làm phim… Nhưng thực tế khi chương trình lên sóng thì thứ duy nhất mọi người thấy trên màn hình lại chỉ là hình ảnh của 1 con thỏ bông, chẳng ai biết tôi là ai cả.

Tôi cũng buồn và có chút tủi thân, nhưng rồi tôi lại tự an ủi mình rằng thôi thì mình cố gắng làm để rèn nghề, để kiếm thêm thu nhập vậy".

Cát-xê cho mỗi ngày quay Thỏ Láu bằng cả tháng lương cơ bản của công chức thời đó

Nguyễn Tiến Ngọc tiết lộ, cát-xê 1 ngày quay Thỏ Láu bằng lương công chức cả tháng, nhưng anh cũng phải đánh đổi không ít với vai diễn đặc biệt này:

"Thời đó, tôi vào đoàn diễn hình thể, mỗi đêm diễn chỉ được khoảng 60-80 ngàn đồng. Tôi thực sự cần kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Mà cát-xê cho mỗi ngày quay Thỏ Láu là khoảng 800 ngàn đồng.

Tôi còn nhớ, thời đó mức lương cơ bản của công nhân viên chức chỉ là khoảng 700-800 ngàn đồng. Nghĩa là 1 ngày quay của tôi bằng người ta đi làm cả tháng rồi!



"Cát-xê cho mỗi ngày quay Thỏ Láu là khoảng 800 ngàn đồng".


Nhưng thật ra, để có được mức lương đó không dễ dàng gì. 1 ngày chúng tôi quay từ sáng sớm đến tối mịt, trung bình phải quay được khoảng 20 số và mỗi tháng chỉ quay dăm ba buổi mà thôi.

Không chỉ căng thẳng về cường độ làm việc của mỗi ngày quay, việc hoá trang cũng là 1 thử thách đối với Thỏ Láu.

Trang phục dành cho Thỏ Láu và Heo Mập được NSX chương trình đặt làm từ Sài Gòn gửi ra. Bộ hoá trang đó rất nặng, nó bao gồm 3 lớp: 1 lớp vải lót, 1 lớp mút và lớp nỉ ngoài cùng. Phần đầu của mỗi bộ trang phục được cố định tạo hình bằng kim loại, tính ra cả bộ hoá trang đó nặng khoảng 5-7kg.

Mỗi lần mặc trang phục hoá trang, chúng tôi chỉ mặc thêm 1 bộ quần đùi áo thun bên trong mà thôi. Thời đó, chương trình được quay ở sân khấu trường Đại học Thuỷ Lợi. Mỗi lần quay, trường quay đều mở điều hoà rất lạnh, đến mức nhân viên hậu trường phải đắp chăn bông nhưng chúng tôi thì mỗi số quay xong đều ướt sũng mồ hôi.

Quay xong 1 số, mồ hôi ngấm vào bộ đồ hoá trang khiến nó càng nặng hơn. Cứ kết thúc phần quay, tôi lập tức phải tháo ngay phần đầu của bộ đồ hoá trang ra để thở.


*

Mà nhân vật Thỏ Láu thì cứ xuất hiện là phải nhí nhảnh, phải cử động, phải tràn đầy sức sống. Nhưng mọi người cứ tưởng tượng cả ngày mang bộ đồ nặng 6,7kg, vừa nhảy nhót vừa trò chuyện thì "phá sức" như thế nào. Có lần tôi cân thử, cứ sau 1 ngày quay tôi sụt hẳn 2kg.

Có những lúc, áp lực về cường độ làm việc, quá mệt mỏi với bộ hoá trang nặng nề, tôi đã muốn bỏ nhân vật này. Nhưng rồi nghĩ đến sự thích thú của các em nhỏ, nghĩ đến cơ hội được làm nghề, được rèn luyện tôi lại tiếp tục cố gắng.

Chính sự vất vả, thử thách của thời gian làm Thỏ Láu đã giúp tôi rèn luyện ý chí làm nghề sau này. Có những lúc, khi công việc vất vả quá, tôi lại tự an ủi mình: Những năm ấy mệt mỏi, căng thẳng như vậy mình còn vượt qua được, bây giờ không phải mặc bộ Thỏ Láu mà mình lại bỏ cuộc hay sao! Vậy là tôi lại tiếp tục cố gắng, lại có thêm động lực để hoàn thành công việc của mình".


*

Mặc dù vất vả, thiệt thòi như vậy nhưng Nguyễn Tiến Ngọc cho hay, vai Thỏ Láu vẫn đem đến cho anh những trải nghiệm tuyệt vời:

"Tôi đảm nhiệm vai Thỏ Láu tới năm 2009 thì mới dừng lại. Tính ra, tôi xuất hiện trên màn ảnh nhỏ rất nhiều lần, nhưng…chẳng ai biết tôi chính là Thỏ Láu.

Gần đây nhất, khi tôi đảm nhiệm vai Quân trong Cô gái nhà người ta, khán giả mới biết rằng tôi chính là người đảm nhiệm vai Thỏ Láu. Có rất nhiều khán giả của tôi thời đó bây giờ đã trở thành đồng nghiệp của tôi, thậm chí có người rất nổi tiếng, họ đều tỏ ra ngạc nhiên và thích thú khi biết tôi chính là nhân vật từng gắn liền với tuổi thơ của họ.

Có thể nói, đây là "hào quang đến muộn" nhưng nó đem lại cho tôi cảm giác rất hạnh phúc và thú vị".