Nội dung phim bắc kim thang

     

Việc đến rạp để xem phim Việt Nam với tôi đã là chuyện của 4 năm trước, khi Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh ra mắt. Và vài ngày trước, khi đứng giữa hai lựa chọn là Countdown và Bắc Kim Thang, tôi đã quyết định mạo hiểm với phương án 2. Nói là mạo hiểm bởi cách đây chưa lâu, một tác phẩm kinh dị khác của Việt Nam là Thất Sơn Tâm Linh đã phải nhận nhiều đánh giá không mấy tích cực về chất lượng phim.

Bạn đang xem: Nội dung phim bắc kim thang

*

Cảnh báo: Có SPOIL!!! Cân nhắc kỹ trước khi đọc. Biết trước đoạn kết thì thôi khỏi cần xem phim luôn.

.

Bắc Kim Thang là bài đồng dao đã quá quen thuộc với các bạn nhỏ, và chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng đã từng nghêu ngao theo giai điệu vui tươi ấy. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được ý nghĩa thật sự của ca khúc này. Chính tôi cũng đã từng cho rằng câu hát “Con le le đánh trống thổi kèn. Con bìm bịp thổi kèn tí te tò te” là cái gì đó vui vẻ lắm cho đến khi lên mạng tìm hiểu nội dung của bài dân ca Nam Bộ ấy. Tôi sẽ dẫn link của bài viết tiêu biểu, các bạn có thể tìm đọc tại đây nhé. 

Bắc Kim Thang cũng chính là tên bộ phim tâm lý kinh dị của đạo diễn Trần Hữu Tấn. Phim nói về một gia đình ở miền Tây trong những năm 1990 khi cháu đích tôn của dòng họ – Thiện Tâm, trở về nhà sau cơn hôn mê vì một tai nạn. Tuy nhiên, chào đón anh lại là sự biến mất bí ẩn của cô em họ Hai Lầm, thái độ lảng tránh của mọi người khi nhắc đến Hai Lầm cùng những hiện tượng kỳ quái liên tục xuất hiện. Tất cả khiến anh quyết tâm tìm hiểu sự thật bằng mọi giá, bất chấp việc bị bố mẹ ra sức can ngăn. 

Đầu tiên thì phải công nhận rằng đây là phim Việt Nam hiếm hoi có quả plot twist đỉnh cao khi để cho khán giả tha hồ đoán mò đoán non về nguyên nhân cái chết của Hai Lầm để rồi khiến họ sốc tận óc khi phát hiện ra rằng Thiện Tâm thật ra đã chết từ 6 tháng trước khi chết đuối vì cứu Hai Lầm, còn người đang sống dưới danh nghĩa cháu đích tôn vừa trở về từ bệnh viện lại chính là Hai Lầm trong bộ dạng của người anh họ. Điều này hoàn toàn ăn khớp với biểu hiện kỳ lạ của bà vú Năm và ông Tư quản gia khi ông bà Hai Tư đón “Thiện Tâm” từ bệnh viện về. Lý do việc bà Hai Tư khóa cửa phòng Hai Lầm cùng phòng thờ từ đó cũng được sáng tỏ luôn. Đó là vì bà ta không muốn Hai Lầm nhớ ra thân phận thật của mình. Ông bà Hai Tư cùng người em trai muốn lợi dụng cô bé này để lừa ông nội nhằm lấy được giấy tờ đất đai. Sau này khán giả có thể nhận ra phân đoạn “Thiện Tâm” thắc mắc tại sao tự dưng mình lại không bơi được cũng được cài cắm khá khéo léo. Bởi thực tế người biết biết bơi là Thiện Tâm đã chết chứ không phải là Hai Lầm đang sống dưới danh nghĩa của người anh họ nên “Thiện Tâm” này suýt chút nữa chết đuối là chuyện đương nhiên chứ không phải là vì sức khỏe còn yếu như ông Hai Tư lấp liếm. Phần hình ảnh của phim cũng được xử lý tốt với khung cảnh miền Tây sông nước, ngôi nhà bề thế trước đây giờ chỉ còn vẻ ngoài rệu rã như là minh chứng cho sự suy tàn của một gia đình đã từng khá giả. Quá khứ và hiện tại trong phim cũng có sự đan xen hài hòa, giúp người xem có thể dễ dàng nắm bắt cốt truyện. Diễn xuất của các diễn viên ở mức ổn, trong đó Trịnh Tài đã thể hiện tốt một Thiện Tâm luôn mơ hồ, lạ lẫm trong chính ngôi nhà của mình. Các đoạn cần biểu hiện cảm xúc như khóc lóc đau buồn hay sợ hãi cũng rất thật, không bị gượng ép. Bắc Kim Thang cũng cho thấy sự tinh tế trong việc xây dựng các thành viên trong gia đình ứng với hình tượng và số phận của các nhân vật trong bài đồng dao cùng tên chứ không chỉ đơn giản là bài dân ca hai anh em Thiện Tâm hay hát khi còn nhỏ, nên dù còn vài điểm khiên cưỡng nhưng cũng có thể chấp nhận được. Thiện Tâm và Hai Lầm chính là “chú bán dầu” và “chú bán ếch” trong phim. Cả hai vô cùng thân thiết với nhau nhưng lại bị chia rẽ bởi biến cố đau lòng. Lúc đầu người xem những tưởng mình đang theo dõi hành trình khám phá bí ẩn của “chú bán dầu”, để rồi đến cuối mới phát hiện ra “chú bán ếch” mới là người còn sống, đúng như câu hát “Chú bán dầu qua cầu mà té. Chú bán ếch ở lại mà chi”. Việc Hai Lầm không còn mẹ cũng gần giống với chi tiết mẹ anh bán ếch bị bệnh chết trong câu chuyện cổ tích. Còn ông Tư bà Năm lại mang hình ảnh của “con le le”, “con bìm bịp” trước đây chịu ơn ông bà Hai Tư, đã định im lặng khi chứng kiến việc làm sai trái của chủ nhân nhưng giờ đây họ không thể tiếp tục sai lầm được nữa mà quyết định chống lại ông bà Hai Tư để bảo vệ “chú bán ếch” Hai Lầm.

Xem thêm: Bàn Phím Dell Venue 11 Pro, Venue 11 Pro (5130,7130,7139) Keyboard Dock Guide

Bắc Kim Thang khai thác đề tài về vấn đề trọng nam khinh nữ – tư tưởng lạc hậu xuất hiện từ thời phong kiến và vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Xem phim, chúng ta lại càng thấm thía tấn bi kịch của Hai Lầm khi sinh ra trong thân phận con gái. Cùng là con cháu nhưng cách mọi người trong gia đình đối xử với Thiện Tâm và Hai Lầm lại khác nhau một trời một vực. Ngồi ở mâm cơm, con gái chỉ được ăn cổ cánh đầu, còn phần đùi gà thơm phức phải nhường cho anh. Thiện Tâm làm vỡ ấm nước nhưng người bị đánh lại là Hai Lầm can tội dám để anh hai làm việc nhà. Rồi một ngày, thái độ của người nhà với cô bỗng khác hẳn. Đon đả hơn, quan tâm hơn. Hai Lầm không phải làm việc nhà, chỉ cần nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, khi ăn cơm cũng được gắp cho cái đùi gà ngon lành. Không còn những trận đòn roi, không còn ánh mắt khinh thường, không còn những lời chì chiết cay nghiệt nhưng đau đớn hơn hết thảy đó là tất cả những gì cô nhận được kể từ khi trở về từ viện đều là giả dối. Họ chỉ coi cô như con rối còn chút giá trị lợi dụng, là thế thân của một người đã chết. Không chỉ hai bác mà cả chính bố của Hai Lầm cũng tham gia vào kế hoạch này bởi với họ, tội lỗi to lớn nhất của cô là sinh ra là một đứa con gái. Với Hai Lầm, gia đình bỗng trở thành nơi đáng sợ nhất với đủ những âm mưu dối trá lọc lừa, còn người anh thật lòng quan tâm đến cô thì đã không còn nữa. Cuối phim, giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất đã bị Hai Lầm thả xuống sông. Ngọn nguồn của mọi tranh đoạt giữa các thành viên trong gia đình nhanh chóng bị nuốt chửng giữa dòng nước lặng.

Tôi có đọc được một số thông tin bên lề của Bắc Kim Thang như phim được thực hiện trong 800 giờ, bối cảnh quay trải dài hơn 31km và đặc biệt là mất đến 548 ngày tương đương với 1,5 năm để hoàn thành kịch bản. Thế nhưng trớ trêu thay, đây lại chính là điểm yếu nhất của phim. Đạo diễn Trần Hữu Tấn muốn xây dựng một câu chuyện bí ẩn xung quanh sự mất tích của nhân vật Hai Lầm nhưng lại không có được một cái kết tương xứng khi thực chất việc ông bà Hai Tư cùng người em có ý đồ chiếm đoạt mảnh đất đã lộ ra ngay từ đầu. Thành ra chính cú twist đắt giá kia cũng bị lãng phí khi thực ra nó không có ảnh hưởng gì nhiều đến mạch phim ngoài tác dụng gây ngạc nhiên cho người xem. Nhưng sau giây phút sửng sốt lại là cảm xúc hụt hẫng khi phim hạ màn chóng vánh đến lãng xẹt. Ông Hai Tư biết bà vú đang cầm dao đe dọa mình mà vẫn đâm đầu lao tới, kết quả là bị xiên cho một phát không rõ sống chết. Bà Hai Tư trong lúc đó đang mải kêu gào chữa cháy. Mà kể cũng lạ, rõ ràng lúc đầu chỉ cháy ở phòng ông nội mà chỉ vài phút sau đã lan ra cả toàn khu nhà rộng lớn rồi. Có lẽ là do trời hanh khô hoặc nhà làm bằng chất liệu dễ cháy chăng? Còn ông Tư quản gia thì cho người em trai ăn một gậy vào đầu rồi dẫn Hai Lầm chạy trốn. Chốt hạ thêm một cảnh Hai Lầm đi trên cánh đồng lúa rồi nhìn khán giả cười, và thế là hết phim, đèn trong rạp bật sáng. Lúc đó nói thật là tôi và có lẽ rất nhiều khán giả khác cảm thấy mông lung như một trò đùa, không hiểu chuyện gì vừa xảy ra và số phận các nhân vật sau đó sẽ ra sao. Bởi sau khi phim hé lộ bí mật động trời kia, tôi đã mong chờ một âm mưu đen tối hơn nữa được bóc trần chứ không phải là cái kết gấp gáp đầy vội vã như vậy. Phim còn có một số chi tiết chưa được làm sáng tỏ, kiểu như khi đi lên phòng ông nội, “Thiện Tâm” có để lại dấu máu theo từng bước chân và lúc sau chính ông bà Hai Tư cũng nhìn thấy. Vấn đề ở chỗ chúng ta không biết máu này là của ai và để làm gì. Thêm nữa, Thiện Tâm năm lần bảy lượt mơ thấy Hai Lầm dẫn mình ra đồng bắt đom đóm. Nếu là bờ sông thì còn có thể hiểu được bởi đây là nơi biến cố xảy đến với họ nhưng tại sao lại chọn cánh đồng mà không phải là một địa điểm khác? Hình ảnh bù nhìn rơm và tấm gương rơi vỡ cũng lặp lại 2 lần nhưng không mang ý nghĩa cụ thể nào. Việc nhồi nhét quá nhiều chi tiết vô thưởng vô phạt, có lẽ chỉ với mục đích hù dọa khán giả khiến phim trở nên có phần dàn trải và khó hiểu. Không chỉ phần tâm lý làm chưa đến mà đến cả yếu tố kinh dị của phim cũng chỉ ở mức nửa chừng. Bắc Kim Thang có cố gắng trong việc khiến khán giả sợ hãi với hình ảnh âm u của ngôi nhà rộng lớn, tiếng cọt kẹt của bản lề cửa và đặc biệt là giai điệu đầy ma mị của bài đồng dao: “Bắc kim thang cà lang bí rợ, cột qua kèo là kèo qua cột…”. Dự là sau khi xem phim này sẽ có một số thanh niên bị ám ảnh bởi bài hát này trong một thời gian dài. Phim cũng khai thác triệt để những màn jump scare cùng hiệu ứng âm thanh được đẩy lên cao hết cỡ để rồi bất thình lình bùng nổ khi con ma xuất hiện nhưng chiêu này chỉ có tác dụng với những người yếu bóng vía hoặc ít xem phim kinh dị. Chứ với tôi thì mấy cảnh nhìn thấy ma trong gương, ma cỏ tóc tai bù xù xõa xượi hay nước trong vòi, trong chậu đổi thành màu đỏ như máu đã là những chiêu quá cũ rồi. Có lẽ biên kịch nên dành thêm 1,5 năm nữa để hoàn thiện một kịch bản chỉnh chu hơn.

Đúng là Bắc Kim Thang vẫn còn những điểm trừ đáng tiếc nhưng tôi đánh giá đây là một tác phẩm xứng đáng nhận được sự ủng hộ của khán giả. Trong những năm gần đây, tôi đã quá ngán ngẩm với các trò lố để câu khách của phim Việt chiếu rạp. Từ cảnh nóng khoe thân, tranh cãi ngoài lề cho đến kịch bản mì ăn liền,…tất cả khiến công chúng, trong đó có tôi, trở nên thờ ơ hơn với phim trong nước. Thậm chí tôi đã từng nghĩ sẽ chẳng bao giờ ra rạp xem phim Việt Nam làm gì cho tốn tiền. Nhưng Bắc Kim Thang với 410.000 vé được bán ra sau 3 ngày công chiếu là minh chứng cho việc nếu các nhà sản xuất chịu đầu tư thời gian công sức và làm việc một cách nghiêm túc thì tác phẩm của họ hoàn toàn có thể tìm được chỗ đứng trên thị trường. Bởi với tôi, nếu phim dù có chán đến đâu thì vẫn còn có thể cải thiện ở các tác phẩm sau, chứ một khi đã dùng đến các chiêu trò rẻ tiền thì đúng là chả còn gì để nói nữa. 

=> Nói tóm lại, Bắc Kim Thang là bộ phim có ý tưởng khá độc đáo và sáng tạo nhưng cách triển khai còn quá vụng về. Tuy nhiên, đây vẫn là một luồng gió mới của thể loại phim giật gân kinh dị, đồng thời nhen nhóm hy vọng về những tác phẩm made in Việt Nam chất lượng khác trong tương lai.

.

Ngoài lề: Cố gắng hoàn thiện bài này không khác gì chạy deadline để còn đi xem Countdown với Terminator: Dark Fate nữa T.T