Trà sữa diệp lâm anh

     

Chuyến đi ấy, tôi uống trà sữa đến phát ngán. Ngày cuối, lên máy bay, bạn nài thử thêm hiệu nữa. Tôi ráng nuốt mà không biết cơ duyên sắp tới với mình – cô kể.

Bạn đang xem: Trà sữa diệp lâm anh

"Đôi khi một khoảnh khắc sáng suốt có giá trị hơn kinh nghiệm của cả một cuộc đời"- O.W Holmes

Năm 2017, lễ khai trương thương hiệu trà sữa The Alley của Diệp Lâm Anh trở thành một sự kiện lớn của Sài Gòn. Hôm đó, những khúc đường dẫn tới cửa hàng đều tắc nghẽn, khi dòng người nườm nượp đổ về đây để thưởng thức trà sữa và tận mắt chiêm ngưỡng ngôi sao So Ji Sub đến từ xứ Hàn.

Bây giờ, sau 4 năm, The Alley đã có tới 40 chi nhánh khắp toàn quốc, còn Diệp Lâm Anh đương nhiên trở thành một bà chủ lớn.

*

Hành trình đưa thương hiệu trà sữavề Việt Nam của chị bắt đầu như thế nào?

Ban đầu tôi thích trà sữa, muốn tìm hiểu về thị trường F&B. Lúc đó tôi chưa có kinh nghiệm, chỉ thấy tất cả thương hiệu trà sữa đều của Đài Loan hết. Rồi 4 năm trước dịp sinh nhật, tôi cùng nhóm bạn đã đến Đài Loan để nếm thử nhiều thương hiệu trà sữa nhất có thể nhưng cũng chưa thật ưng.

Cuối chuyến đi, đến khi sắp lên máy bay về nước, bạn tôi cố gắng thuyết phục dùng thêm trà của một hãng nữa. Thú thật, mấy ngày đều uống trà sữa, tôi không thể nào nuốt thêm nhưng phải cố gắng vì bạn nói mãi. Nào ngờ, tôi thấy hứng thú, và chốt được The Alley là thức uống chính thức kinh doanh.

*
Diệp Lâm Anh và ông xã tất bật cho cửa hàng đầu tiên ra mắt.

Việc đàm phán với thương hiệu, cũng như chuẩn bị các khâu liên quan cho tới lúc khai trương, có tốn nhiều công sức của chị?

Tôi có 1 người bạn Đài Loan giúp kết nối với founder của hãng, sau đó họ gửi email để họ offer. Nếu tự thực hiện, sẽ rất khó tìm thông tin kết nối, nhưng may mắn bạn tôi giúp cho phần đầu. Thật lòng, lúc ấy tôi cũng rất quyết tâm. 4 năm trước trà sữa rất hot trên thị trường. Bởi thế, sang Đài Loan, trong đầu tôi luôn nghĩ nhất định sản phẩm mình chọn sẽ là trà sữa mà không phải một thương hiệu nào khác.

Còn lại, những vấn vấn đề liên quan về pháp lý, sở hữu trí tuệ ở Việt Nam cũng tốn thời gian để hoàn thành xong việc đăng kí. Chẳng hạn, tất cả nguyên liệu đều phải nhập khẩu nên tôi phải giải quyết các thủ tục liên quan tới vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhưng nhìn lại, thực ra tôi làm khá nhanh đấy. Tất cả mất tròn 3 tháng cho mọi việc từký hợp đồng, nhập nguyên liệu, training nhân viên, lên kế hoạch khai trương. Rồi cả việc bay sang Hàn Quốc để mời anh So Ji Sub về Việt Nam nữa.

Thiếu kinh nghiệm, có ai hỗ trợ chị để khai trương một thương hiệu lớn như vậy chỉ sau 3 tháng?

Chỉ có tôi với ông xã làm cửa hàng đầu tiên. Đợt ấy bận, có những ngày 11h đêm chưa về đến nhà. Lúc đó bên hãng cũng hỗ trợ 6 người ở đội training. Họ đã ở Việt Nam cho đến ngày cửa hàng đầu tiên khai trương. Chúng tôi làm việc hết công suất, bởi đã bỏ số tiền lớn để đưa thương hiệu về nên tôi muốn ngay ngày đầu mọi thứ phải thật chỉn chu.

Nhóm chuyên gia từ Đài Loan có 2 người chuyên training nhân viên, 2 người nghiên cứu thị trường trà sữa Việt Nam để chọn mức giá phù hợp đưa vào menu. Founder của hãng cũng về hỗ trợ nhưng anh bận nên ở lại chưa tới một tháng. Team đã giúp tôi training 1 đội ngũ chuyên đi hướng dẫn tại các cửa hàng sau này khi mở rộng chi nhánh ra toàn quốc.

*

Hẳn bây giờ, chị vẫn còn nhớ về ngày mở cửa đầu tiên của The Alley?

Đúng vậy. Sữa tươi trân châu đường đen là một món hoàn toàn mới, lần đầu xuất hiện tại Việt Nam. Giá thành chúng tôi bán gần như cao nhất thị trường, nhưng mọi người vẫn nườm nượp xếp hàng ủng hộ. Thời điểm ấy, có ngày chúng tôi bán được 2000 - 3000 ly ngay trong thời điểm khai trương. Khách ủng hộ đông đến nỗi quán có 13 nhân viên ở quầy nhỏ mà vẫn làm không kịp.

Ngày trước cả Sài Gòn chúng tôi chỉ có 3 cửa hàng, lượng trà bán ra rất khủng. Sau này trải dài mỗi tỉnh, mỗi quận nên doanh số nằm ở mức ổn định.

*
Cô nắm rõ từng khâu trong quá trình tạo nên thức uống kinh doanh.

Có một đội ngũ nhân viên được đào tạo như thế, chị có bao giờ trực tiếp?

Tôi biết mọi thứ đấy. Tôi biết pha, biết nấu trân châu, tất cả mọi thứ đều phải học hết. Tôi không định quan niệm thuê người giỏi về rồi mình không làm, vẫn bắt buộc phải nắm rõ các khâu ra sao.

Bằng cách nào để chị giữ sự ổn định và phát triển được thương hiệu của mình?

Thực ra ở hãng cũng hướng dẫn mình khá nhiều. Họ làm việc rất chuyên nghiệp. Chúng tôi luôn có kế hoạch trong vòng 1 năm sẽ ra bao nhiêu sản phẩm mới nhằm đa dạng menu. Hãng sẽ làm và gửi công thức sang cho mình để ra được thức uống mới. Đây là điều quan trọng nhất để giữ được thương hiệu về ngành F&B.

Đến nay món hot nhất của thương hiệulà sữa tươi trân châu đường đenlại xuất hiện khắp ở các cửa hàng khác, chị có lo ngại về điều này?

Quả thật thời gian sau này các hãng đều ồ ạt ra mắt sữa tươi trân châu đường đen, cứ như phong trào vậy. Nhưng điều đặc biệt ở The Alley là tất cả nguyên liệu đều nhập khẩu từ hãng. Hãng cũng mất nhiều thời gian để nghiên cứu sản xuất ra trân châu, có nhà máy sản xuất riêng, cả loại đường cũng thế. Còn các thương hiệu khác thường họ dùng đường siro nên không thể đạt được mùi vị giống như phiên bản của Alley.

Nhìn chung,khi bất cứ món gì khi trở thành phong trào, người tiêu dùng đều có quyền lựa chọn thương hiệu vừa với túi tiền của họ. Nhưng khách hàng thực sự mê thức uống của tôi khi dùng món nơi khác sẽ cảm nhận mùi vị không bằng, họ vẫn chọn mình thôi. Mỗi hãng đều liên tục làm mới menu và hướng tới mức giá ban cho loại khách hàng mà họ thấy phù hợp. Vấn đề cạnh tranh trên thị trường tôi nghĩ hoàn toàn bình thường.

Xem thêm: Review Mỹ Phẩm Mẹ Ken Có Tốt Không, Mỹ Phẩm Mẹ Ken Có Tốt Không

*
Chân dung bà chủcủa thương hiệu trà sữa đình đám của giới trẻ tại Việt Nam.

Với hình thức nhượng quyền, The Alley cách nào để giữ hương vị các nơi đồng đều?

Rất nhiều chủ đầu tư đã liên hệ để mua. Tôi phải thương lượng, chọn lọc đối tác làm chung. Thẳng thắn, khách hàng phải thực sự có tiền đầu tư vì mở một chi nhánh không hề rẻ.

Còn về chất lượng, hương vị đồng đều giữa các cửa hàng là vấn đề khó, nó sẽ chênh nhau một tí. Điều này xuất phát từ cách bạn nấu, bảo quản trân châu, đóng gói hàng. Nhưng cơ bản, hương vị của chúng tôi phụ thuộc nguyên liệu, vàbước này đã được đảm bảo ở khâu nhập khẩu. Quy trình nấu thế nào cũng được hướng dẫn công thức rất cụ thể.

Giữa một thị trường đồ uống ngày càng đa dạng, chị có những cách riêng để thu hút khách hàng?

Điều này phụ thuộc phần lớn vào thị hiếu của khách. Hiện tại thương hiệu của tôi đang là cái tên hot nhưng trong tương lai vị trí này có thể thay thế, chẳng ai dám chắc điều gì cả. Nhưng trước mắt, với hình thức kinh doanh hiện tại, chúng tôi luôn gắng đảm bảo việc đều đặn ra mắt thức uống mới và giữ được chất lượng ổn định. Chúng tôi cũng có kế hoạch ra mắt thêm các loại bánh để phục vụ nhu cầu khách hàng.

Cũng có những ý kiến rằng trà sữa có lượng đường khá nhiều và không phải thức uống tốt cho sức khỏe, chị nghĩ sao?

Thật ra, trà của chúng tôi có khá nhiều món được làm từ trái cây tươi đấy. Thêm nữa, chúng tôi dùng loại đường tinh luyện từ đường mía bao gồm đường nâu và đường vàng, tuyệt đối không dùng đường hóa học. Việc làm cho người dùng bị béo và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe là không có đâu.

*

Được biết, Diệp Lâm Anh không chỉ gắn với trà sữa mà còn nhiều lĩnh vực kinh doanh khác?

Hiện tôi đang phát triển 3 thương hiệu thời trang cùng lúc bao gồm Coco Jambo (chuyên đồ thiết kế cho nữ theo xu hướng thanh lịch), đầu năm 2021 có thêm 2 thương hiệu Bakynaky (chuyên áo T-shirt, quần jogger theo xu hướng hiphop) và Boorin Clothing (chuyên về đồ thun theo xu hướng sporty chic). Bên cạnh đó, tôi cũng đang sở hữu sân chơi cocktail bar gồm Chicky Coffee Lounge và Santori Lounge.

Kinh doanh nhiều thứ vậy, chị làm cách nào để cân bằng hết các lĩnh vực?

Tôi vốn thích tìm tòi cái mới, thích set up mọi thứ. Tôi lập công ty chuyên về marketing, set up, training. Mọi thứ vận hành như một bộ máy rồi và tôi chỉ đứng vai trò phân công công việc cho mọi người. Mỗi nhân viên sẽ theo tôi với từng dự án khác nhau, mọi thứ rõ ràng như thế.

Thật ra, để lập một công ty cũng chẳng dễ dàng. Nhưng tôi có kinh nghiệm sau thời gian làm về trà sữa nên nắm rõ cách thức tạo nên một thương hiệu. Khâu khó khăn nhất có lẽ ở phần nhân sự. Tìm được người có cách làm việc với mình không phải chuyện đơn giản, và tôi từng thay nhân sự rất nhiều.

Nghệ sĩ rất cảm tính – trong khi kinh doanh cần sự quyết đoán. Chị quyết đoán tới mức nào?

Tôi rất cảm tính luôn (cười). Bất cứ việc gì tôi cũng dùng trực để đưa ra quyết định theo kiểu nên làm gì trong thời điểm này, bước đi tiếp theo thế nào. Nhưng có lẽ tôi hợp với kinh doanh và nhìn nhận thị trường nên những quyết định cảm tính ấy vẫn không sai.

*
Mời ngôi sao xứ Hàn về khai trương là cách cô đưa thương hiệu đến với thị trường.

Vậy, chị thấy thành công lớn nhất trong quá trình kinh doanh là gì?

Vẫn là những gì gắn với cái tên The Alley. Tôi muốn đưa thương hiệu này tiếp cận thị trường theo một cách đặc biệt nên đã tổ chức thành công 2 sự kiện lớn khi mời So Ji Sub và Ji Chang Wook về Việt Nam. Đây là điều tôi vô cùng tự hào cho đến hiện tại.

Mời 2 ngôi sao xứ Hàn về Việt Nam tham dự sự kiện là điều không dễ dàng chút nào, khi tôi chỉ là một cá nhân đơn lẻ. May mắn, tôi có người bạn thân thiết với công ty quản lý của họ nên mọi việc diễn ra thuận lợi. Cả hai sự kiện khai trương đều gây tiếng vang lớn, dù Ji Chang Wook phải hủy lịch có mặt phút cuối vì tình hình giao thông tắc nghẽn, lượng người đến nơi khai trương đông nghẹt. Nhưng việc tôi mời được anh về Việt Nam để fan có thể nhìn ngắm thần tượng trên đường từ sân bay đến khách sạn cũng đã rất vui rồi.

Đâu là điều khác biệt giữa Diệp Lâm Anh ở nghệ thuật và kinh doanh?

Khi làm nghệ thuật tôi tự do lắm, làm tất cả theo sở thích. Nhưng kinh doanh thì phải vừa làm, vừa học. Tôi không có nền tảng hay được đào tạo chuyên nghiệp nên thường đọc thêm sách, tìm kiến thức trên mạng và học từ cách training của hãng nước ngoài để có kinh nghiệm. Rất may, tôi thành công tương đối nên cũng tự tin.

*

Vậy sau 4 năm kinh doanh, chị học được điều gì cho mình?

Tôi nhận thấy mình phải nhập cuộc và tác nghiệp trên mọi lĩnh vực. Từ trưởng phòng Marketing cho đến hành chính nhân sự, tôi không thể phó mặc cho các bạn làm hết. Mỗi khâu đều phải học, từ cách ra các văn bản cho đến quản lý con người. Bên dưới họ thực hiện những gì, mình phải duyệt qua hết. Rồi việc training cũng thế, tôi phải nắm được cách thức.

Như thế, sự chủ động trong kinh doanh là yếu tố quan trọng và sống còn. Chúng ta luôn phải học, trước hết để biết nhân viên đang làm điều gì, có đúng hay không?

*
Cô tự nhận thấy mình có duyên với kinh doanh.

Với những bạn trẻ khởi nghiệp, chị có điều gì nhắn nhủ họ?

Dù mới có khoảng 100 – 200 triệu hay vài tỷ đồng, các bạn đều phải biết cân đối xem mức quỹ này đầu tư cụ thể cho những việc gì. Rồi, các bạn phải xác định đủ hết những rủi ro phải gặp, từ đó dự đoán trước các câu hỏi: Nếu thành công thì mình đạt tới mức nào? Nếu rủi ro sẽ chịu lỗ bao nhiêu? Cần bao thời gian chờ đợi đến ngày sản phẩm tiếp cận được thị trường?

Với một thương hiệu mới ra mắt, tôi chia sẻ luôn: Các bạn phải chịu lỗ trong vòng 6 tháng, đó sẽ là quãng thời gian để làm quen trên thị trường. Nếu sau nửa năm sản phẩm không được đón nhận, hãy chuyển đổi chứ đừng do dự.

Cám ơn chị về cuộc trò chuyện.

Bài viết: Thanh Trà

Design: Hoài My

LỜI TỪ NGƯỜI VIẾT

Thương hiệu từ nước ngoài khi đưa về Việt Nam vốn lợi thế nhưng để lưu giữ tiếng vang, tạo ấn tượng với khách hàng lại là một chuyện khác. Diệp Lâm Anh chọn "cú nổ"lớn ở ngày khai trương để đánh dấu cột mốc hoành tráng. Và những bài học tiếp theo của cô rất rõ: một thị trường cạnh tranh buộc phải tính toán đến con đường lâu dài với sự đa dạng về sản phẩm, - cũng như tính đến những rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra ở thời đại 4.0

Tiếp theo ở kỳ 4, mọi người sẽ được nhìn thấy hình ảnh Bảo Thy - người hay được gọi với danh xưng "công chúa" lại bước ra kinh doanh với nhãn hàng mỹ phẩm được sản xuất tại Hàn Quốc, thoát khỏi cái mác "kem trộn" nhờ chất lượng sản phẩm.